3. Du lịch Cà Mau

3.1  Hòn Khoai

Hòn Khoai thuộc huyện Ngọc Hiển, cách đất liền 14,6km, nằm về phái tây nam thị trấn Năm Căn.

Hòn Khoai hay còn gọi là Hòn Giáng Hương, hòn Độc Lập, đảo Poulo Obi có diện tích 5km2 có hình dạng như củ khoai khổng lồ, nằm trong địa phận quần đảo với 4 hòn đảo nổi tiếng khác là Hòn Sao, Hòn Đồi Mồi, Hòn Đá Lẻ và Hòn Tương.

Hòn Khoai được đánh giá là một trong những cụm đảo đẹp bậc nhất của cực Nam Tổ quốc. Đến với Hòn Khoai, khách du lịch sẽ có cơ hội thưởng thức không khí trong lành giữa bãi biên xanh ngắt đậm chất nguyên sơ của thiên nhiên.

Hòn Khoai là đảo đá, đồi và rừng còn gần như nguyên vẹn với nhiều loại gỗ quí, động thực vật phong phú, phong cảnh thiên nhiên hoang dã lôi cuốn.

Đến Hòn Khoai, ngoài việc du khách chiêm ngưỡng vẻ đẹp nên thơ của những bãi biển đầy đá cuội tròn như trứng ngỗng, du khách còn có dịp leo núi, băng rừng, trực tiếp ngắm nhìn một thảm rừng nguyên sinh cực kỳ quý hiếm ở nước ta với hơn 1.000 loại thực vật và hàng trăm giống chim thú vẫn còn nguyên vẹn.

Chính sự nguyên sơ và đa dạng của hệ sinh thái khiến Hòn Khoai trở thành một trong những địa điểm du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng hết sức lý thú.

Ngọn hải đăng trên đỉnh cao nhất của Hòn Khoai là một trong những vết tích còn sót lại của thực dân Pháp. Cho đến nay, kiến trúc của công trình ngọn hải đăng này vẫn còn khá nguyên vẹn, đây được ví là một trong những ngọn đèn biển quan trọng của khu vực biển Tây Nam và Vịnh Thái Lan.

Từ trên ngọn hải đăng, du khách còn có dịp được các chiến sĩ biên phòng cho phép thông qua kính viễn vọng, nhìn một trong 5 hòn đảo vây quanh hòn Khoai là hòn Đồi Mồi với thảm thực vật xanh biếc, giống hệt con đồi mồi đang bơi giữa biển xanh. Mũi Cà Mau thuộc huyện Ngọc Hiển, cách thành phố Cà Mau 118km bằng đường thủy.

 

3.2 Mũi Cà Mau

Mũi Cà Mau là nơi duy nhất trên đất liền Việt Nam du khách thấy mặt trời mọc trên phía Đông và lặn ở phía Tây.

Mũi Cà Mau như một vòng cung, mỗi năm phù xa theo những con sông đổ về lắng tụ đã tạo nên ở đây các bãi bồi dài khoảng 100m, rộng hàng trăm ha dọc theo phía Đông và phía Tây. như một hiện tượng tự nhiên, hàng năm mở rộng diện tích ra biển tới vài trăm hecta. Cây mắm, cây bần, cây đước cứ theo thế mà phát triển mở rộng dần diện tích rừng ngập mặn đem lại nguồn lợi to lớn về tôm cá và nhiều loại thủy sinh khác. Nằm sâu trên đất liền là các loại rừng ngập nước với rừng tràm và các trảng cỏ ngập nước theo mùa. Với 239 loài thực vật cổ rừng tràm và rừng ngập mặn, 36 loài thú thuộc 17 họ, 194 loài chim, 260 loài cá và nhiều loài lưỡng cư, bò sát, trong số đó có những loài quý hiếm như: khỉ đuôi dài, rái cá lông mượt, mèo cá, sóc chuột lửa, cá sấu hoa cà, rùa, kỳ đà hoa, trăn gấm…

Vùng đất tận cùng của tổ quốc được khai phá từ những năm cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18. Mũi Cà Mau nói riêng và tỉnh Cà Mau nói chung được xem là vùng đất giao thoa của ba màu văn hóa: Việt – Hoa – Khmer. Đây cũng chính là lý do khiến vùng đất mũi có sự đa dạng về văn hóa cũng như phong tục tập quán.

Đứng trên mũi Cà Mau, du khách có thể ôm trọn tầm mắt cụm đảo Hòn Khoai – một trong những cụm đảo đẹp nhất của Tổ Quốc với các địa danh như Hòn Sao, Hòn Lớn, Hòn Tượng, Hòn Đồi Mồi…

Đến đây du khách mới được ngắm nhìn vẻ đẹp hùng vĩ của rừng, bao la của biển cả. Đến đất Mũi, du khách được thưởng thức đặc sản tươi ngon còn mặn mùi phù sa như hàu, sò huyết, sò lông, vọp, ốc len, tôm, cua, ghẹ,… vừa trải lòng với các bài ca vọng cổ đằm thắm, sâu lắng đi vào lòng người, mạng đậm nét văn hóa truyền thống Đồng Bằng Nam Bộ

 

3.3 Rừng U Minh

Rừng U Minh được chia thành U Minh Thượng thuộc về địa phận tỉnh Kiên Giang và U Minh Hạ thuộc địa phận tỉnh Cà Mau. Với diện tích khoảng 35000ha, U Minh Hạ là một trong những vườn quốc gia có hệ sinh thái vô cùng đa dạng.

Giữa U Minh Thượng và U Minh Hạ là sông Trẹm và sông Cái Tàu. Nơi đây thiên nhiên hùng vĩ và hoang sơ.
Với đặc điểm một mùa khô hạn và một mùa nước ngập, U Minh Hạ là một trong những vườn quốc gia có diện tích rừng tràm lớn nhất cả nước. Đến với Rừng U Minh Hạ, du khách sẽ có cơ hội trải nghiệm cùng hệ sinh thái đất ngập nước trên lớp than bùn vô cùng đặc sắc và hiếm hoi của cả nước. Bên cạnh diện tích tràm chiếm phần lớn, U Minh Hạ còn là chiếc nôi của vô vàn các loại dây leo, là một vương quốc cổ tích thu nhỏ của các lại chim chóc, cá đồng, trăn, khỉ, cheo, heo rừng, nai…
Du khách có thể vừa ngồi dưới những tàn tràm rộng lớn, vừa lai rai nâng chén với những món ăn dân dã như cá lóc đồng nướng trui, rắn bông súng chấm muối ớt, xuống đầm hái bông lục bình, bông súng ma hay đọt cóc kèn…những hoạt động bình dị nhưng đáng nhớ.


Đi dạo quanh rừng U Minh Hạ, du khách sẽ có cơ hội nghe kể về truyền thuyết Ông hổ mây nổi tiếng hay những câu chuyện về kháng chiến oanh liệt một thời qua những người chèo xuồng, đâu đó văng vẳng bên tai những câu hò đậm chất nam bộ.

Nghe đờn ca tài tử, thấm câu hò nam Bộ, vấn vương điệu hát ngọt ngào, Rừng U Minh sẽ ghi đậm trong lòng du khách những cảm xúc riêng không lẫn lộn.

3.4  Vườn chim 19/5

Đến thành phố Cà Mau, men theo con đường Lý Văn Lâm khoảng 4km, khách du lịch Cà Mau sẽ được ghé thăm vườn chim 19/5. Được xây dựng từ những năm cuối thế kỷ 20, cho đến nay, vườn chim 19/5 có diện tích khoảng 18ha. Theo thống kê, vườn chim 19/5 có số lượng chim lên đến 10.000 con vào mùa xuân – thời điểm chim chóc tụ họp, hẹn hò nhiều hơn cả.

Hạc (sếu) được xem là loài chim nhiều và ấn tượng nhất của vườn chim Cà Mau này. Vườn chim 19/5 thu hút khá nhiều loài chim quý hiếm như điên điển, diệc, bồ nông khoang cổ, yến…Về thăm vườn chim này, du khách còn có cơ hội ghé thăm nhà hàng Trầu Cau khá nổi tiếng và nên thơ – là một trong những địa điểm chụp hình cưới được ưa thích của con dân Cà Mau

3.5  Vườn chim Tư Na

Nằm gần trung tâm của thị trấn Năm Căn, ghé thăm vườn chim Tư Na, du khách sẽ thỏa được nguyện ước sống giữa thiên nhiên hoang dã thực thụ, bao quanh bởi sông ngòi kênh rạch. Vườn chim Tư Na có sự đa dạng và phong phú cả về số lượng và chất lượng. Nơi đây là môi trường sinh sống của hơn 100.000 con và nhiều loài quý hiếm nằm trong danh sách sách đỏ của Việt Nam.

Ghé vườn chim Tư Na, du khách ngạc nhiên khi bắt gặp một đàn vạc trắng au bay rợp trên đầu mình hay thỉnh thoảng được tận mắt ngắm nhìn những loài chim lạ chưa từng thấy trước đây. Đi dưới những bóng cây, dạo quanh nhưng kênh rạch, ngắm nhìn từng đàn chim bay về tổ vào buổi hoàng hôn, xa xa một vài con cò trắng còn đang đáp nước bắt thêm một con mồi cùng nhiều giai điệu, âm thanh khác nhau của một bản giao hưởng lộn xộn, du khách sẽ có những phút giây thật tươi vui, thoải mái không thể nào quên.

3.6  Vườn chim Chà Là, Đầm Dơi, Tân Tiến

Vườn chim Chà Là (thuộc huyện Cái Nước), vườn chim Đầm Dơi (thuộc huyện Đầm Dơi), vườn chim nằm ngay trong trung tâm thành phố Cà Mau, vườn chim Tân Tiến… Vườn chim như một nét đặc thù của vùng đất phương Nam này. Các loài chim làm tổ trên các cây cao và dành cả buổi sáng để đi lấy thức ăn…

 

4.  Du lịch Cần Thơ

4.1 làng nghề Mỹ Khánh

Làng nằm ở 335, Lộ Vòng Cung, Xã Mỹ Khánh, Huyện Phong Điền. Cách trung tâm TP.Cần Thơ 10km, giữa hai chợ nổi Cái Răng và Phong Điền.

Được tham quan Làng nghề văn hóa truyền thống, vườn cây ăn trái, các dịch vụ tại chỗ như đi xe ngựa, bơi thuyền, Taxi điện, đua heo, đua chó, xiếc khỉ, câu cá sấu.

Ngôi nhà cổ Nam bộ được Du lịch sinh thái Mỹ Khánh mua lại, có niên đại hơn 100 năm tuổi, là nhà của điền chủ ở Bình Thủy (nay thuộc quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ) được trùng tu, bảo dưỡng.

Phía sau ngôi nhà cổ là làng nghề truyền thống làm bánh tráng và nấu rượu. Nếu khéo tay du khách có thể tự tráng bánh, làm quà biếu người thân, bạn bè và nhâm nhi ly rượu cay với bánh tráng gói cá tai tượng chiên giòn.

4.2 Nhà cổ Bình Thủy

Ngôi nhà cổ còn chứa trong nó một “kho đồ cổ” quý giá được gìn giữ từ bao đời nay như hai bộ bàn ghế xuất xứ từ Vân Nam – Trung Quốc, mặt bàn bằng đá cẩm thạch, vân xanh, đường kính 1,5m, dầy hơn 6cm, bộ xa lông kiểu Pháp đời Louis 15 mặt bàn bằng đá cẩm thạch sắc xanh, chùm đèn bạch đăng TK18, cặp đèn treo TK19… Thú chơi đồ cổ của gia đình họ Dương đất Bình Thuỷ đã lẫy lừng “lục tỉnh”. Vào thập niên 70, chỉ cần bỏ ra 2-3 cây vàng mua được căn nhà lầu giữa phố chợ thì có người trả cho bình thượng ngọc men xanh cao 1,2m những 25 cây vàng, sau khi đã trừ hàng chục cây vì ai đó đã giát vàng quanh miệng bình làm ảnh hưởng đến lớp men!. Ly kỳ hơn là chuyện mua ngà voi trên Sài Gòn những năm 40 rồi vua muối đất Bạc Liêu Trần Trinh Trạch đòi nhượng lại với giá “bao nhiêu cũng được” nhưng họ Dương không chịu bán mà rước về Bình Thuỷ… coi chơi.

Đến với nhà cổ Bình Thủy, du khách còn có cơ hội thưởng ngoạn vườn Lan với nhiều loại Lan và xương rồng quý hiếm được vun trồng từ hậu duệ của gia đình họ Dương. Ngôi nhà cổ này còn lưu giữa nhiều kho nội thất cổ như bộ bàn ghế cổ bằng cẩm thạch, sa – lông đời vua Louis 15, bộ tách chén đời Minh – Thanh…đều là những cổ vật khiến gia đình họ Dương lẫy lừng về thú vui sưu tầm đồ cổ của cả lục tỉnh Nam Kì.

Ngắm nhìn ngôi nhà, những người trẻ như thấy được cuộc sống của cha ông thời xưa, người già hoài niệm về quá khứ, những người xa xứ thì thấy được cội nguồn của dân tộc…Vì vậy, ngôi nhà còn có giá trị tinh thần rất cao, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

4.3 Chợ đêm Tây Đô

Chợ đêm Tây Đô nhộn nhịp từ 4 giờ chiều khi tiểu thương tất bật dọn hàng, chuẩn bị cho một phiên chợ.

Khi tham quan, các du khách sẽ thấy nơi đây được bố trí khoa học, kiến trúc hài hòa với cảnh quan môi trường xung quanh, mang đậm phong cách Nam Bộ. Chợ được chia theo từng gian hang, thông thoáng, gọn gàng, đảm bảo tính thẫm mỹ. Ðường đi lối lại trong chợ được nhựa hóa và thoáng rộng, du khách sẽ không phải chịu cảnh chen lấn xô bồ như các chợ đêm đại trà khác. Rác rưởi, ruồi nhặng…những điều khó chịu khi đi chợ dường như không còn ở chợ đêm Tây Đô bởi vẻ đẹp của hồn quê chất ngất đậm đà hiện diện trong mỗi người gặp. Đây như một đồng bằng sông Cửu Long thu nhỏ, với những nét sinh hoạt giản dị, mộc mạc của người dân Nam Bộ

Đến với khu chợ, du khách không chỉ được lựa chọn rất nhiều sản phẩm phong phú, đa dạng mà còn được tham gia các loại hình vui chơi giải trí khác như trò chơi điện tử, sân khấu ca nhạc ngoài trời…hoà quyện vào không khí dịu mát của buổi đêm se se lạnh. Tất cả tạo nên một chợ đêm Tây Đô đậm nét Nam Bộ, một điểm văn hoá du lịch hấp dẫn các du khách gần xa.

Có dịp đến Cần Thơ, một lần ghé thăm chợ đêm Tây Đô để cảm nhận một hồn quê phảng phất giữa một thành phố ồn ào, náo nhiệt đang trên đường phát triể

4.4 Vườn cò Bằng Lăng

Được ví như ngôi nhà nguyên sinh của thế giới cò, vườn cò Bằng Lăng là địa điểm lí thú với các nhà sinh vật học đam mê loài chim này. Chủ nhân của vườn cò Bằng Lăng là ông Nguyễn Ngọc Thuyền (biệt danh ông Bảy Cò). Mặc dù diện tích không lớn như các vườn chim khác của Cà Mau, Kiên Giang…nhưng vườn cò Bằng Lăng là nơi trú ngụ của khá nhiều loài cò khác nhau như cò ruồi, cò ma, cò xanh, cò sen, cò quắm, cò ngà…Ngoài sự đa dạng về số lượng loài, khách du lịch còn phải ngạc nhiên đến số lượng, kích cỡ của từng loài.

Sau khi qua hai cổng cầu vồng bằng tre du khách sẽ được dịp leo lên đài quan sát cao 8m để ngắm nhìn thoải mái khu vườn cò. Các loài cò sống ở đây gồm cò ruồi, cò cá, cò ma, cò xanh,… Ngoài ra còn có họ hang nhà cò như vạc, bồ nông, cuốc,…

Trời vừa hừng sang, đàn cò lần lượt bay đi khắp nơi. Chúng thường kiếm mồi trên các ruộng lúa vừa mới gặt hái xong, thức ăn chủ yếu là cá, ốc, tép,.. Khoảng 4-5h chiều chúng lần lượt bay về cho đến khi trời tối hẳn mới hết.

Do đó, đến vườn cò vào buổi bình minh hay buổi chiều tà im ắng, tai nghe bản nhạc cò đồng quê thì chắc chắn du khách không khỏi ngất ngây, xao xuyến trước bức tranh thiên nhiên thanh bình, tuyệt đẹp mà tạo hóa đã ban tặng cho vùng đất này, mộc mạc và hiếu khách nơi đây.

4.5 Chơ nổi Cái Răng

Chợ nổi Cái Răng là chợ nổi chuyên trao đổi, mua bán nông sản, các loại trái cây, hàng hóa,…Chợ nổi Cái Răng mang trong mình nhiều nét đặc sắc của con người Nam Bộ. Nằm trên con sông Cái Răng cách trung tâm Cần Thơ 6km đường bộ, khu chợ nổi này vô cùng nhộn nhịp vào phiên họp chợ 6h đến 8h sáng hằng ngày. Ngoài việc đi đường bộ, du khách cũng có thể di chuyển đến chợ bằng thuyền từ bến Ninh Kiều thơ mộng.

Do nhu cầu của người đi chợ nên không chỉ có các loại xuồng trái cây, nông sản phẩm, mà còn nhiều loại dịch vụ khác như là hủ tiếu, cà quê, quán nhậu nổi… Các xuồng dịch vụ len lỏi rất thiện nghệ áp mạn phục vụ khách đi chợ tận tình chu đáo. Sự độc đáo này để lại nhiều ấn tượng cho các du khách nước ngoài, họ quay phim chụp ảnh liên tục, đôi khi còn thích thú reo lên một cách tự nhiên.

Ở miền Tây, do sông ngòi chằng chịt nên ghe, xuồng trở thành phương tiện đi lại chủ yếu cảu người dân, giống như xe máy ở thành thị. Tuy nhiên đây chính là một trong những “đặc sản” cuốn hút khách tới thăm vùng đất này. Bởi còn thú vị nào hơn khi được tận hưởng cảm giác bồng bềnh trên sông Hậu ngắm bình minh, cảnh vật và con người vùng sông nước Cửu Long

Ghé chợ nổi vào đúng giờ họp chợ, du khách còn có cơ hội thưởng thức những món ăn dân dã từ các gánh hàng rong như phở, hủ tiếu, cafe, bánh mì…Và thậm chí là chợ nổi, du khách cũng đừng ngạc nhiên khi bắt gặp một ghe sửa xe máy nổi lênh đênh trên dòng Cái Răng.

Chợ nổi Cái Răng đặc biệt đông đúc và chen chúc hơn cả vào dịp tết Âm Lịch. Không ít du khách trong và ngoài nước phải choáng ngợp trước hình ảnh cả một quãng sông dài vài km tấp nập cơ man thuyền ghe từ nhiều nơi về trao đổi hàng hóa.

Chợ nổi cái Răng là một trong hai chợ trên sông nổi nhất miền Tây Nam Bộ. Nhiều người cho rằng, đến Cần Thơ mà chưa đi chợ nổi này là chưa biết gì về thủ phủ của Tây Đô.

(Còn nữa)