Phổ Đà Sơn bồng lai tiên cảnh 
Từ Thành Đô, chúng tôi đáp chuyến bay tiếp tục đi Thượng Hải, sau đó ngồi xe để đến Ninh Ba sang Hải Thiên Phật Quốc Phổ Đà Sơn - đạo tràng của Bồ tát Quán Thế Âm, vị Bồ tát có nhân duyên vô cùng lớn với chúng sanh trong cõi ta bà này. Từng giây, từng phút có hàng triệu người trên khắp hành tinh hướng về Ngài. Mỗi thời khóa tụng niệm hằng đêm, tôi thường trì niệm Đại Bi Chú, để hôm nay mới đầy đủ phước duyên được đến đảnh lễ đạo tràng của Ngài.

 

 

Tượng Bồ tát Quán Thế Âm trên Phổ Đà sơn

 

 

 

 

Quan cảnh trên Phổ Đà sơn

 

 

 

 

 

Phổ Đà Sơn ngự trên một hòn đảo nhỏ thuộc tỉnh Triết Giang, cách thành phố Ninh Ba khoảng 15 phút đi tàu cao tốc. Điều ấn tượng nhất đối với tôi ngay khi đặt chân lên đảo là bầu không khí trong lành, cảnh trí thanh tịnh, đường sá nhỏ nhắn sạch đẹp. Theo hướng dẫn viên địa phương, thời Đông Hán có Thiền sư Huệ Ngạc người Nhật Bản đến Ngũ Đài Sơn tu học, trên đường trở về nước, ngài có đem theo một pho tượng Đức Quan Âm bằng ngọc quý được thỉnh từ Ngũ Đài Sơn nhưng không xin qua ý kiến của sư trụ trì. Khi đi ngang qua Phổ Đà Sơn, thuyền của nhà sư Huệ Ngạc không thể di chuyển được mà cứ đứng yên mãi. Biết do nhân duyên và vi phạm Phật giới, nhà sư Huệ Ngạc đã đem bảo tượng Đức Quan Âm lên Phổ Đà Sơn lập chùa thờ phụng và đặt tên là “Bất Khảng Khứ Quan Âm viện” (Quan Âm không đi). Vì sự linh ứng này, Phổ Đà Sơn được người đời biết đến như đạo tràng của Đức Quan Thế Âm.

 

Ngày nay, Phổ Đà Sơn là điểm đến quen thuộc của hầu hết tín đồ Phật giáo Trung Quốc và khắp nơi trên thế giới. Ngay trên đảo, bảo tượng Quan Âm Nam Hải cao 33 mét hướng về đại dương mênh mông như hình ảnh người mẹ hiền từ luôn dõi mắt trông theo và lắng tai nghe tiếng kêu cầu của chúng sanh mà thị hiện cứu độ. Nơi đây, những ngôi chùa gắn liền với nhiều sự linh ứng của Đức Bồ tát Quán Thế Âm như Phổ Tế Tự, Pháp Vũ Tự, Huệ Tế Tự, Tử Trúc Lâm,... đều khiến lòng người rung cảm. Ngoài việc thăm viếng các thánh tích tại Phổ Đà Sơn, du khách còn có dịp mua sắm rất nhiều văn hóa phẩm Phật giáo tại đây. Tôi đã thỉnh một bảo tượng Đức Quan Âm bằng đất sét Tử Sa tuyệt đẹp để kỷ niệm cho chuyến hành hương đến đạo trường của vị Bồ tát có tâm đại từ bi này.
 

Dọc hai bên đường dành cho khách bộ hành được trang trí bằng nhiều loại hoa đủ màu sắc, có nhạc hòa tấu niệm danh hiệu Đức Quan Âm khiến tôi có cảm giác như mình đang lạc vào cõi bồng lai.

 

Cửu Hoa sơn -  thánh tích trần gian 

Đạo tràng cuối cùng trong chuyến hành hương này là Cửu Hoa Sơn, trú xứ của Bồ tát Địa Tạng. Cửu Hoa Sơn thuộc tỉnh An Huy là một trong những danh sơn được thi sĩ Lý Bạch đời Đường hết lời ca ngợi: “Diệu hữu phân nhị khí/ Linh sơn khai Cửu Hoa”. Nghĩa là: “Diệu hữu phân trời đất/ Linh Sơn nở chín hoa”.

 

 

Phong cảnh trên Cửu Hoa sơn
 

 

 

Điện thờ đức Địa Tạng vương trên đỉnh Cửu Hoa sơn

Vào năm Khai Nguyên nhà Đường (730), Thiền sư Kim Kiều Giác đã vượt biển từ Triều Tiên đến đây cắm tích trượng lập thảo am để tu hành. Đến năm ngài 99 tuổi, biết thời khắc đã đến, thuận thế vô thường, ngài bảo thị giả đến dặn dò ân cần rồi an nhiên ngồi nhập tịch. Ba năm sau, khai mở kim tháp thì thấy nhục thân của ngài còn tươi nguyên, hồng hào lạ thường. Đệ tử bèn xây Nhục Thân Bảo Điện để tôn trí thờ nhục thân của ngài. Người ta tin rằng chính ngài Kim Kiều Giác là hóa thân của Bồ Tát Địa Tạng, do vậy Cửu Hoa Sơn được xem là đạo tràng của Đức Địa Tạng. Cũng chính tại đây, ngài Kim Kiều Giác đã hóa độ cho cha con của ngài Mẫn Công và Đạo Minh qua truyền thuyết về việc ngài Kim Bồ Tát xin đất xây chùa bằng tấm y cà sa nổi tiếng mầu nhiệm khắp vùng. Ngoài ra nơi đây còn lưu lại nhục thân của Thiền sư Vô Hà tại Bách Tuế Cung, người đã dùng kim chích máu nơi lưỡi để viết bộ kinh Hoa Nghiêm trong vòng 38 năm; nhục thân của Ni sư Nhân Nghĩa, vị nữ Bồ tát duy nhất để lại nhục thân ở Trung Quốc… Tất cả những nhục thân lưu lại nơi đây đều là những bài học lịch sử thiêng liêng sống động, minh chứng cho quá trình tu tập và đại nguyện độ tận chúng sanh của bậc Bồ tát năm xưa.

 

Sau khi thăm chùa Hóa Thành, ngôi chùa chính liên quan đến Thánh tăng Kim Kiều Giác, và đảnh lễ nhục thân của ngài ở Nhục Thân Bảo Điện, tôi đi cáp treo lên viếng chùa Vạn Niên hay còn gọi là Bách Tuế Cung. Ngôi chùa này tôn trí nhục thân của ngài Vô Hà Đại Sư. Từ ngôi chùa này, du khách có thể phóng tầm mắt ngắm toàn cảnh núi rừng Cửu Hoa Sơn bao la rộng lớn. Đâu đó trong không trung này, lời tán thán của Đức Thích Ca về Bồ tát Địa Tạng vẫn còn vang vọng mãi: “Ta xem Ðịa Tạng sức oai thần, kiếp số hằng sa khó tỏ trần/ Thấy nghe một niệm chiêm ngưỡng lễ, Trời, người lợi ích sự không ngằn…” (Kinh Địa Tạng).

 

Chuyến hành hương Tứ Đại Phật Sơn khép lại với niềm hoan hỷ và an lạc vô biên. Tôi thành kính cảm ơn nhân duyên đã cho tôi được đến đảnh lễ các vị Bồ tát và hiểu rõ hơn về hạnh nguyện của mỗi Ngài. Những nẻo đường hành hương Trung Hoa vẫn còn rất nhiều điều mới lạ, tôi và quý vị hãy cùng chắp tay cầu nguyện cho khắp tất cả chúng sanh đều phát Bồ đề tâm, học Bồ tát hạnh và tu Bồ tát đạo.