1. Chùa Răng Phật
Chùa Răng Phật (Buddha Tooth Relic temple) được thiết kế và bài trí theo kiểu Mandala, thể hiện quan niệm “vũ trụ vạn vật” của nhà Phật và mang nhiều nét kiến trúc gợi nhớ đến lịch sử thời nhà Đường (Trung Quốc). Ngôi chùa này gồm năm tầng nổi và một tầng hầm. Từ phía ngoài, chùa dễ dàng gây được ấn tượng mạnh với bất kỳ ai bởi hình dáng tráng lệ và màu sắc nổi bật. Chùa Răng Phật là nơi lưu giữ nhiều Xá Lợi Phật và xá lợi các đệ tử của Người cùng xá lợi những vị cao tăng xuất chúng từ nhiều quốc gia trên thế giới để các tín đồ có thể chiêm bái.
2. Đền thờ Sri Veeramakaliamman
Bước vào một trong những ngôi đền cổ nhất ở Singapore, Đền Veeramakaliamman được xây dựng bởi những nhà tiên phong người Ấn Độ đến làm việc và sinh sống tại đất nước này. Bạn sẽ nhận ra những hình ảnh của nữ thần Sri Veeramakaliamman, vị thần chính của ngôi đền.
Còn được gọi là vị thần tiêu diệt quỷ dữ, sự hiện diện của nữ thần đã đáp ứng ước mong tha thiết của những người nhập cư đầu tiên là có được cảm giác an toàn ở một miền đất lạ. Trong suốt Thế chiến thứ II, khi diễn ra những cuộc tấn công trên không, nhiều người đã trú ngụ tại ngôi đền này. Ngôi đền và những dân thường ẩn nấp bên trong đã bình an vô sự thoát khỏi những trận ném bom dữ dội.
Vào thập kỷ 80 của thế kỷ 20, ngôi đền đã được tu tạo xây dựng thêm một tháp cổng độc đáo gồm 8 mái vòm chính và rất nhiều vòm nhỏ khác, giúp ngôi đền trở thành một trong những nơi có cảnh tượng nguy nga nhất Singapore.
3. Đền thờ Sri Thandayuthapani - Ngôi đền mang ý nghĩa là đón ánh Mặt Trời
Đền thờ Sri Thandayuthapani, còn được biết đến với tên gọi Đền thờ Hindu Chettiar, là một trong những công trình kỷ niệm quan trọng nhất của cộng đồng người theo đạo Hindu ở Singapore. Được xây dựng vào năm 1859 và xây lại năm 1983, đặc điểm nổi bật của ngôi đền Nam Ấn này là mái đền với 48 ô cửa kính được chạm khắc và nghiêng góc để đón ánh Mặt Trời lúc bình minh và khi hoàng hôn buông xuống.
Ngôi đền được xây dựng để tưởng nhớ Thần Subramaniam sáu mặt (Lord Muruga). Bạn có thể tới đây nếu muốn xem đám rước Thaipusam hàng năm. Vào ngày diễn ra lễ hội, những người mộ đạo cạo đầu, đi hành hương và thể hiện lòng mộ đạo qua nhiều hình thức như mang vác gánh nặng (kavadi) trên mình. Gánh nặng ở đây có thể chỉ là một bình sữa, nhưng hình ảnh hành xác bằng việc xuyên xiên nhọn qua da, lưỡi và má cũng rất phổ biến. Đó là một biểu hiện của đức tin đối với tôn giáo này.
4. Đền thờ Sri Senpaga Vinayagar - Kết hợp kiến trúc Đông Tây
Được xây dựng vào giữa thế kỷ 19, Đền thờ Sri Senpaga Vinayagar đã được xây dựng lại và khánh thành vào năm 2003. Ngôi đền mang phong cách kiến trúc đặc trưng của Chola với một cặp Dwarapalaka (á thần gác cổng) cao khoảng 2,7 m đứng hai bên tháp cổng Rajagopuram. Chola là những người xây dựng đền thờ vĩ đại nhất trong lịch sử Ấn Độ.
Đừng quên tháo giày và cởi tất ở ngoài trước khi bạn bước vào lễ đường chính. Ở đây, bạn sẽ được ngắm nhìn những bức tranh tường nhiều màu sắc mô tả các câu chuyện về Thần Vinayagar từ khi ngài chào đời đến khi lập gia thất và bốn cột trụ bằng đá granit đặc sắc với các bức tượng tái hiện 32 hình dáng khác nhau của Thần Vinayagar. 32 hình dáng của Thần Vinayagar là nét độc đáo riêng của ngôi đền này và không có ở bất kỳ ngôi đền Vinayagar nào khác, thậm chí ở cả đất nước Ấn Độ.
5. Giáo đường Maghain Aboth - Tòa nhà Do Thái cổ nhất Đông Nam Á
Hãy tìm hiểu về những người định cư Do Thái đầu tiên ở Singapore tại Giáo đường Maghain Aboth. Được xây dựng vào năm 1878, Giáo đường Maghain Aboth, có nghĩa là Thần Hộ Mệnh (Shield of Our Fathers), là tòa nhà Do Thái lâu đời nhất Đông Nam Á.
Ngày nay, vẫn còn một vài tòa nhà Do Thái ở khu vực xung quanh nhưng Giáo đường Maghain Aboth vẫn là một trong những công trình nổi tiếng nhất. Vẻ đơn giản bên ngoài của tòa nhà đối lập hoàn toàn với phần nội thất được thiết kế vô cùng công phu bên trong. Đây là kiểu kết hợp độc đáo của lối kiến trúc dưới thời Nữ hoàng Victoria và phong cách thuộc địa – sàn nhà bằng đá cẩm thạch và các cửa sổ chớp lớn mang đến một sự tương phản ngạc nhiên nhưng thú vị với những hàng ghế dài bằng gỗ song và gỗ tếch.
Cộng đồng Do Thái nhỏ bé ở Singapore vẫn thường xuyên gặp mặt ở Giáo đường để hành lễ và cử hành các lễ hội Do Thái. Giáo đường Maghain Aboth được công nhận là một trong những công trình quốc gia của Singapore vào năm 1998 – khiến nơi đây trở thành một danh thắng không nên bỏ qua trong lịch trình tham quan Singapore của bạn.
6. Chùa Phụng Sơn Trì tại Singapore - Ngôi chùa Tài Lộc
Được xây dựng từ năm 1908 tới năm 1913, chùa Phụng Sơn Trì (Hong San See) trên đường Mohamed Sultan ban đầu tọa lạc tại phố Tras ở Tanjong Pagar vào năm 1836. Được những người Phúc Kiến của dòng tộc Lam Ann xây dựng, ngôi chùa thờ vị Thần Tài Quảng Trạch Tôn Vương. Sau đó ngôi chùa được chuyển tới đường Mohamed Sultan và ngày nay ngôi chùa thu hút những người sùng đạo các dân tộc khác nhau tới cầu nguyện.
Được nhà thầu nổi tiếng Lim Loh thiết kế, ngôi chùa với kiểu bố trí mặt bằng, sân và tường bao xoay quanh một trục, được xây dựng theo phong cách chùa chiền truyền thống miền Nam Trung Quốc. Pháp đường và các tòa điện được trang trí tinh tế với ánh sáng phản chiếu vẻ đẹp từ những đường nét chạm khắc trên gỗ của Trung Quốc. Bốn cột đá granit được chạm trổ hình rồng và hai con rồng bằng ngọc trên chóp mái cũng là hình ảnh thể hiện di sản của dòng họ Lam Ann.
Chùa Phụng Sơn Trì được công nhận là công trình kỷ niệm quốc gia vào năm 1978. Năm 2010, ngôi chùa cũng được vinh danh với Giải thưởng Xuất sắc năm 2010 tại Giải thưởng Di sản khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO năm 2010 về Bảo tồn Di sản Văn hóa. Mặt tiền và nội thất của chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu, lần đầu tiên là vào năm 1868 khi ngôi chùa cũ vẫn còn nằm ở khu Tanjong Pagar. Ngoài Thần Tài Quảng Trạch Tôn Vương, tại đây còn thờ những đấng linh thiêng khác, trong đó có Đức Phật Tổ và Phật Bà Quan Âm.
7. Chùa Sakya Muni Buddha Gaya - Ngôi chùa của một nghìn bóng đèn
Là một trong những ngôi chùa thờ Phật được nhiều người thăm viếng và đáng chú ý nhất ở Singapore, Chùa Sakya Muni Buddha Gaya thường được biết đến với tên gọi Ngôi chùa của 1.000 bóng đèn. Được xây dựng vào năm 1927 bởi nhà sư người Thái tên là Vutthisara, bạn sẽ nhận ra những ảnh hưởng mạnh mẽ của Thái Lan trong phong cách kiến trúc và trang trí của ngôi chùa. Bước vào đây và bạn sẽ chú ý ngay đến bức tượng Phật cao 15 m uy nghi, xung quanh là một dãy đèn dài dường như vô tận.
Dưới chân tượng có một bức tranh tường miêu tả những cột mốc quan trọng trong cuộc đời Đức Phật. Trong căn phòng phía sau bức tượng là hình ảnh Đức Phật nằm tuyệt đẹp. Hình ảnh uy nghi này không chỉ thu hút các ánh đèn máy ảnh mà kích cỡ thật của bức tượng còn truyền cảm hứng cho không chỉ những người sùng đạo, mà cho bất kỳ ai có thể đánh giá đúng phong cách kiến trúc tuyệt vời của nó.