Từ lâu, người Trung Quốc không chỉ tự hào với thủ đô hoa lệ Bắc Kinh, những Cố cung, Lăng nhà Minh, Thiên đàn - Di hòa viên cổ kính và trang nghiêm hay thành phố thương mại sầm uất Thượng Hải, mà rất tự hào khi nói về Vạn lý Trường Thành. Bởi nó chính là biểu tượng Trung Quốc. 


Nằm trải dài trên 6 tỉnh từ Đông sang Tây của Trung Quốc, băng qua nhiều vùng sa mạc, đồng cỏ, núi non và uốn khúc như một con rồng có chiều dài tới 6.700 km. 
Từ trung tâm thành phố Bắc Kinh đến Vạn Lý Trường thành chỉ dài khoảng 100 km và đi mất 2 giờ đồng hồ. Du khách sẽ được tận mắt chứng kiến một Vạn Lý Trường Thành kỳ vĩ và cuốn hút du khách.

Vạn lý trường thành là bức tường thành có tính chất phòng thủ biên giới phía Bắc, được xây dựng và duy trì bởi nhiều triều đại phong kiến Trung Quốc.

Lịch sử xây dựng của Vạn lý trường thành là có thể truy ngược về thời kỳ Chiến Quốc, với mục đính chủ yếu là ngăn chặn sự di cư của các bộ lạc du mục phương bắc.

Năm 221 Tr.CN, Tần Thủy Hoàng, sau khi thống nhất Trung Quốc, đã cho nối liền và đắp lại ba đoạn thành cũ của các nước Tần, Triệu, Yên, hình thành một tấm lá chắn dài hơn 5000 km ở biên giới phía bắc, trở thành tuyến phòng ngự tiền tiêu, chống lại những cuộc tập kích bất ngờ của những đoàn kỵ binh du mục đến từ thảo nguyên Mông Cổ. Bức tường thành - một minh chứng cụ thể cho sức mạnh và quyền uy của Hoàng đế - được làm bằng đất nện với những tháp canh được xây ở khoảng cách đều nhau. Nó nằm xa hơn về phía bắc so với Vạn lý trường thành  hiện tại, với điểm cực đông nằm sát phần bắc bán đảo Triều Tiên, đến nay chỉ còn lại ít di tích là những ụ đất thấp, dài.

Hán Vũ Đế, trong cuộc chiến với người Hung Nô, cũng đã từng nhiều lần tiếp tục xây dựng Vạn lý trường thành  nhằm bảo vệ các vùng đất chiến lược Hà Sáo, Lũng Tây, với độ dài lên tới hơn 10.000 km.

Trong các thời kỳ sau đó, các triều đại phong kiến Trung Quốc cũng không ngừng củng cố, xây dựng Vạn lý trường thành ở các mức độ khác nhau, nhưng có chung một kiểu thiết kế với vật liệu là đất nện và có tháp canh nhiều tầng được xây ở khoảng cách vài dặm.

Vạn lý trường thành hiện nay là kết quả của quá trình xây dựng dưới triều Minh, phía đông bắt đầu từ Áp Lục Giang, phía tây đến Gia Dụ Quan, chạy qua 8 tỉnh, thành phố và khu tự trị là Hà Bắc, Thiên Tân, Bắc Kinh, Nội Mông Cổ, Sơn Tây, Thiểm Tây, Ninh Hạ, Cam Túc, với độ dài hơn 7.300 km. Bức thành này được xây dựng trong quãng thời gian hơn 200 năm, với tầm vóc to lớn hơn và bằng vật liệu kiên cố hơn các thời kỳ trước (đá cứng được dùng ở các bề mặt và ở trên đỉnh thành).

 

Là công trình kiến trúc mang tính phòng ngự, nên địa hình Vạn lý trường thành  đi qua rất đa dạng, đoạn thì men theo sườn núi nhấp nhô kéo dài, đoạn khác lại xuyên qua những đầm lầy hoặc vùng xa mạc mênh mông. Trong lịch sử thế giới cổ đại, kiến trúc Vạn lý trường thành có thể nói là rất hiếm thấy. Ở các điểm tiếp nối quan trọng của Vạn lý trường thành  đều xây dựng các cửa thành, vừa tiện lợi cho giao thông, vừa có lợi cho việc phòng thủ. Ngoài ra, cứ mỗi khoảng cách nhất định lại có “địch lầu”, dùng để cất giữ vũ khí, lương thực và và nơi ở của binh sĩ, khi chiến tranh có thể biến thành công sự. Dọc theo Vạn lý trường thành là các “phong hỏa đài”, dùng để đốt khói (vào ban ngày) và đốt lửa (vào ban đêm) nhằm nhanh chóng truyền tin có quân thù xâm nhập.

Kể từ khi được xây dựng, Vạn lý trường thành luôn giữ một vai trò vô cùng quan trọng. Sự tồn tại của nó liên quan đến sự thay đổi của nhiều triều đại, cũng như quá trình thịnh suy của dân tộc Trung Hoa. Tuy nhiên, sau khi người Mãn Châu vượt qua được Sơn Hải Quan (năm 1644), tiến vào Trung Nguyên thì bức tường thành không còn giá trị chiến lược nữa, do quyền kiểm soát chính trị của chính quyền Trung ương từ thời điểm đó đã thực sự được mở rộng ra tận những miền cực bắc, xa hơn tất cả các triều đại trước đó.

Vạn lý trường thành là  một trong “Bảy kỳ quan thời Trung cổ của thế giới”.

Năm 1987, Vạn lý trường thành  được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. 

Hãy đến du lịch Trung Quốc và chinh phục Vạn lý trường thành ngay hôm nay các bạn nhé. Asia Plus rất hân hạnh được phục vụ quý khách.